4everfriends.forumvi.com
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.
BỘ GÕ TIẾNG VIỆT ONLINE
Right click to open new tab


Có ai “ăn trộm Pháp” không ?

Go down

Có ai “ăn trộm Pháp” không ? Empty Có ai “ăn trộm Pháp” không ?

Post by hienchanh 31st May 2015, 9:44 pm

.

Có ai “ăn trộm Pháp” không ?


Có ai “ăn trộm Pháp” không ? Suzuky

Có vị sư bà trụ trì chùa kia dạy rằng:

- “Chỉ được học Pháp từ chư Tăng và chư Ni, không được học Pháp từ cư sĩ. Chư Tăng Ni mới là thày dạy chính thống, cư sĩ không có tư cách giảng Pháp, họ chỉ là những kẻ ăn trộm Pháp, ai nghe họ giảng sẽ bị đọa địa ngục”. 

Tôi là một Phật tử đứng ngoài cổng chùa. Tại sao không vào chùa mà lại đứng ngoài? Nếu người hỏi mà là người giầu có thì sẽ không hiểu nỗi khổ tâm của tôi đâu. Cũng như ông vua quen sống sung sướng, khi nghe thấy nói rằng dân nghèo đói lắm, bèn hỏi:

- “Sao dân ngu thế, đói thì sao không nấu cháo thịt mà ăn?”.

Nếu quí vị tiền rừng bạc biển mà nghe tôi nói rằng vì nghèo nên không dám đến chùa thì quí vị sẽ rất ngây thơ, trả lời:

- “Sao “chấp” thế. Cửa chùa từ bi, đâu có phân biệt giầu nghèo!”

Những người nghèo họ có cái bén nhậy, cái mặc cảm và cái “tủi thân” của họ. Chính tai tôi đã nghe lời dè bỉu của một bà kia sau khi nhận tiền cúng dường của một Phật tử khác, bà nói nhỏ:

-“Ui da! Cúng được năm đồng bạc! Ai cũng thế này thì có mà dẹp chùa!

Bản thân tôi, khi cầm tờ “Liệt kê tên và số tiền góp” chuyển ngang qua, tôi cũng rất sượng sùng mà moi từ túi ra số tiền khiêm tốn, dù sự đóng góp này cũng đã là một cố gắng. Tôi cũng rất thông cảm với nhà chùa, cần tiền trả bills, nhưng tôi cũng lại thắc mắc rằng tại sao phải làm chùa “càng ngày càng to”, trong khi Phật tử thì ít, chùa thì nhiều, Phật tử chùa này mà sang chùa khác lễ lạy, thọ bát quan trai, thì bị thầy nói mát mẻ:

-“Sao không đi “chùa nhà” mà đi “chùa người ta”?

Nhưng trong cái rủi, luôn luôn có cái may tiềm ẩn. Tôi tin sâu nhân quả, nên tin rằng tôi có duyên lành với đạo Phật. Nhờ không có phương tiện tốt để đi chùa, nên tôi lại có được sự khách quan, không bị tinh thần bè phái phe nhóm “chùa mình”, “chùa người”, chi phối, không bị ràng buộc vào hàng ngũ đệ tử riêng của thầy này thầy nọ, không bị tật xấu tôn sùng thần tượng che mờ mắt, nên tôi lại được tự do, thanh thản bơi lội trong rừng kinh sách, hưởng nhiều mùi vị thơm ngon qua dòng sữa chánh pháp trực tiếp từ kinh điển của nhà Phật. Khi đọc sách, tôi không để ý đến tên và hào quang của tác giả, không để ý đến vị trí tu sĩ hay cư sĩ của họ, vì tôi đã thấm nhuần lời dạy của Ðức Bổn Sư Từ Phụ:

… “Y pháp bất y nhân” …

… “Bất cứ giáo lý nào ngươi có thể quả quyết rằng chúng đưa tới diệt đam mê chứ không đưa tới đam mê, tới siêu thoát chứ không ràng buộc, tới giảm trừ của cải thế tục chứ không tới tích lũy của cải, tới thanh đạm chứ không tới thèm muốn, tới an lạc chứ không tới phiền não, tới minh mẫn chứ không tới u mê, tới hân hoan với thiện pháp chứ không tới sung sướng với ác pháp, thì với những giáo lý đó, ngươi có thể quả quyết rằng: “Ðó chính là Giới, đó chính là Luật, đó chính là Huấn thị của Ðức Thế Tôn“…


Dùng lời dạy kể trên chiếu qua kinh sách, tôi tránh được sự hoa mắt vì hào quang của thần tượng. Trong số những bậc thầy hàm thụ của tôi, mà tôi được học qua sách và băng giảng của chư vị, có cả tu sĩ và cư sĩ. Một trong những cư sĩ mà tôi rất mang ơn là cụ Ðoàn Trung Còn. Cụ soạn bộ Phật Học Từ Ðiển trên 2000 trang, có thích nghĩa bằng cả 4 thứ chữ, chữ Phạn, chữ Nho, chữ Pháp và chữ Việt, cuốn này là một trong những hải đăng của tôi trên con đường mò mẫm trong biển Phật học.

Trong cuốn Tăng Ðồ Nhà Phật in năm 1942, cụ viết những lời tâm huyết khi giải thích các bài Kệ hằng ngày của tăng ni như sau:

… “Ðọc qua những Kệ này, dẫu không đứng về phương diện tôn giáo, mà đứng về phương diện khảo cứu, cũng thấy rằng Sư đạo Phật thật là một hạng người thanh cao, từ hòa, ái mẫn, bao giờ trong sự lợi ích của mình cũng đoái tưởng đến mọi người và vạn vật, hằng xét nghĩ và cầu nguyện cho tất cả chúng sinh. Nói cho phải, nhà Sư đạo Phật vì đồng loại, vì chúng sinh mà sống còn, mà tấn hóa chứ không phải vì mình. Thật là một cuộc đời đầy sự từ bi, bác ái, hy vọng và khiêm tốn….”…

Ðây là lời chân thành của một cư sĩ ca ngợi đời sống cao thượng của chư vị tu sĩ. Tiếc thay dẫu vậy, theo lời bà Tu Sĩ kia, thì cụ cũng chỉ đứng trong hàng ngũ “ăn trộm Pháp” mà thôi.

Nhìn bằng con mắt của bà Sư này thì hàng ngũ “ăn trộm Pháp” đông lắm. Tôi chỉ xin liệt kê vài trường hợp điển hình mà thôi. Ở Ấn Ðộ, ngoài hai cư sĩ danh tiếng Duy Ma Cật và Thắng Man Phu Nhân ra (vì có thể bị bác bỏ rằng hai vị này không có trong lịch sử Ấn Ðộ) thì vua A Dục đứng ở đầu sổ, bên Trung Quốc có Lương Võ Ðế và con là Thái Tử Lương Chiêu Minh, bên Nhật có Thánh Ðức Thái Tử, Tây Phương có Ðại Tá Olcott tận tụy cả đời tranh đấu cho Phật Giáo, viết sách để phổ biến Phật pháp và chính ông là người sáng chế ra lá cờ Phật Giáo, ngoài ra còn có Bác sĩ Daisetsu Teitaro 
Suzuki từ Nhật qua giảng kinh, thuyết pháp, viết sách, đem hàng vạn người trở lại Ðạo Phật, bên Việt Nam có Vua Trần Thái Tôn, tác giả nhiều bộ sách dạy về đường lối tu trì, thời hiện đại có các cụ Lê Ðình Thám, Ðoàn Trung Còn, Mai Thọ Truyền vân …vân…

Ðạo Phật là con đường đi từ Từ Bi, Trí Tuệ, tiến tới giác ngộ, giải thoát hoàn toàn khỏi vòng luân hồi sinh tử bị chi phối bởi Nghiệp. Trưởng Tử Như Lai được đức Phật giao phó nhiệm vụ cầm đuốc soi đường cho chúng sinh, nên dành nhiều thì giờ nghiên cứu kinh điển, tu hành Lục Ðộ Ba La Mật, thì mới đủ khả năng giảng dạy chánh pháp. Sống trong ánh hào quang của Ðức Thế Tôn, chư vị nên mở rộng tâm ra để mà tiến bước trên con đường tự giác, giác tha, thường nên tự xét xem có xứng đáng với lời ca ngợi của cụ Ðoàn Trung Còn hay không, thường nên tự nhắc nhở để tránh phạm vào lỗi “lạm nhận sự cung kính của Cư sĩ” do không làm tròn nhiệm vụ bậc thầy.

Thầy đây là thầy dẫn đường cho chúng sinh ra khỏi sinh tử luân hồi, chứ không phải là thầy cúng, chỉ cần giỏi khua chuông gõ mõ ê a là đủ! Nếu có tâm từ bi, thương chúng sinh như ruột thịt, hãy nghĩ đến họ đang lần mò trong đêm tối của vô minh, phải nên tận tụy tìm mọi phương tiện thiện xảo, dạy cho họ biết tu hành để ra khỏi nhà lửa.

Không phải tu hành chỉ là đến chùa cúng tiền, làm Phật sự không phải chỉ là cầu siêu cầu an! Nếu thấy có người đem giáo pháp của đức Phật truyền bá cho chúng sinh thì nên đến nghe coi họ nói đúng hay sai, họ nói đúng thì nên tùy hỷ, mừng rằng có thêm người hiểu được đạo Pháp, họ nói sai thì tìm cách chỉ dẫn cho họ đi vào chính đạo, khuyên họ không nên làm hại chúng sinh, dạy sai, khiến chúng sinh lạc đường trở lại bản thể, bởi vì ngay chính người thuyết pháp cư sĩ đó thì cũng là một chúng sinh, Trưởng Tử Như Lai cũng có nhiệm vụ giúp đỡ nếu họ lạc đường. Phật tử cư sĩ là con của Phật. Sư là thầy. Trưởng Tử Như Lai là anh lớn của cư sĩ. Là thầy, là anh lớn của cư sĩ, nên cư sĩ Phật tử phải cung kính cúng dường. Anh lớn phải đem ánh sáng của đạo Giác Ngộ rọi vào vọng tâm vô minh của các em, đưa các em lên bờ giác ngộ. Cho nên Tăng Ni mới được tôn là một trong Tam Bảo, hàng ngũ tôn quý. Rất nhiều vị trong hàng ngũ tôn quí đó đã làm tròn nhiệm vụ Ðức Phật giao phó, tinh tấn tu hành để Tự Giác, tận tụy dạy dỗ chúng sinh để Giác Tha, quyết đi đến Giác Hạnh viên mãn. 

Ðạo Phật có nghĩa là đạo Giác Ngộ. Giác ngộ rằng từ một niệm vô minh bất giác mà duyên theo hành nghiệp, cuốn trôi vào vòng sinh tử luân hồi, do chấp rằng có cái thân này và thế giới vật chất trước mặt là thực thể, bám chặt vào tư tưởng đó, nảy ra tham sân si rồi tạo nghiệp, trả quả liên tục trong mê hồn trận, nếu không nhờ có ánh sáng của đạo Giác Ngộ chiếu vào, thì sẽ không có ngày chấm dứt. Dù ánh sáng giác ngộ chiếu vào nhưng chúng ta phải vâng theo lời Ðức Bổn Sư mà tu tập, xả bỏ những vướng mắc, của cải, từ vật chất đến tinh thần, đi đến tâm hoàn toàn thanh tịnh, mới tới được bờ Trí Huệ giải thoát. Cho nên bước đầu của đường tu là bước Bố Thí, để xả bỏ mọi tham luyến, rồi đến tránh không làm điều ác là Trì Giới, không nổi tham sân si giành giật với người khác là Nhẫn Nhục, siêng năng tu tập là Tinh Tấn, thanh tịnh hóa tâm bằng các pháp môn Tọa Thiền, Niệm Phật, Trì Chú, Tụng Kinh, tâm sẽ lắng xuống, gạn lọc ô nhiễm, trở nên an tịnh là Thiền Ðịnh, đây là cảnh giới Trí Huệ, giải thoát.

Làm tất cả những điều kể trên mà không tự hào là có ta đang tu, đang chứng, thì đó là Lục Ðộ Ba La Mật.

Tại sao cửa đầu tiên phải là Bố Thí? Lý do là chính vì lòng tham lam thu góp, nắm giữ của cải, tình cảm… vân.. vân.. của riêng mình mà chúng ta đã tạo nên nghiệp chướng liên miên từ vô lượng kiếp. Nay muốn chấm dứt dòng luân hồi bị chi phối vì nghiệp báo ấy thì phải lập tức xả bỏ mọi vướng mắc kể trên. Cho nên, thời Ðức Phật còn tại thế, chư tăng ni chưa có chùa riêng, ban ngày tọa thiền và đêm ngủ đều tại gốc cây, nhưng Ngài không cho chư đệ tử ngủ ba đêm liền dưới cùng một gốc cây, vì sợ chư vị nảy sinh ra ý tưởng sở hữu, thu vén sao cho tiện nghi, đẹp đẽ làm nơi ở của TA. Ðức Phật là bậc Ðại Giác. Ngài biết rằng nếu đã thiết lập nên cái “của TA” thì từ đó sẽ nảy sinh ra muôn ngàn chướng ngại cho con đường tu hành.

Ðã là Tu Sĩ Phật giáo thì tâm từ bi phải tỏa rộng, được Phật tử cung kính thì phải học tập, tu hành cho có khả năng để bố thí Pháp, vâng theo lời Ðức Phật dạy mà soi đường cho chúng sinh, kẻo mà vướng vào cái gọi là “hư tiêu tín thí”. Nếu như vì lý do nào đó mà không giảng pháp, lại có các cư sĩ đứng ra chỉ dẫn cho nhau, nên xem nếu họ có đủ khả năng thì tùy hỉ khen ngợi, giúp họ phương tiện để hoằng truyền đạo Giác Ngộ cho lan rộng khắp thế giới, để mọi người đều hân hoan bơi lội trong biển Phật Pháp, thoát được địa ngục vô minh tham sân si, không nên tự coi mình như là con thừa tự được hưởng gia tài, đem kinh điển đi làm “nhãn hiệu trình tòa” để giành độc quyền, rồi dọa dẫm Phật tử rằng họ nghe pháp của cư sĩ giảng là bất hợp pháp, sẽ bị tội đồng lõa, dọa dẫm đủ loại địa ngục! 

Cũng chỉ vì cái quan niệm mê tín dị đoan, lưu truyền từ thời phong kiến, phân chia ra mọi loại giai cấp, khiến cho một số người lợi dụng tình thế tự phong thần cho chính mình, tạo nên bức màn huyền bí, làm cho biết bao nhiêu người chỉ vì không dám thắc mắc đối với Tăng Ni, sợ đọa địa ngục, mà một “sư cô” (sau này còn tự “tôn xưng” là ” Vô Thượng Sư T.H.”), vốn gốc là đệ tử của mấy vị Ðại Sư, mới có được cái “dù” quyền lực thần bí mà lôi tuốt hàng ngàn đầu óc mê muội vì sợ sệt vào thẳng “Ðịa Ngục vô minh tại thế”.

Pháp thường hằng và mênh mông khắp nơi. Tâm được giải thoát khỏi Tam Ðộc là hội nhập được Chánh Pháp, rồi đem lòng từ bi san sẻ với tha nhân, cùng nhau tu hành tự giác giác tha cho đến giác hạnh viên mãn thì sẽ hòa vào với Pháp là Bản Thể Chân Tâm. Không nên hẹp hòi đem Pháp bỏ vào lọ, trình tòa để làm của riêng, tự cho mình là dòng chính thống được độc quyền khai thác, không mở rộng tâm ra, tối ngày bo bo giữ của, sợ người này người kia “ăn trộm Pháp”, thì sẽ chỉ là người coi kho đếm tiền, không có cơ hội được thấm nhuần mùi vị giải thoát.

Nguồn hào quang rực rỡ của Ðại Giải Thoát mà lại bị những người tự nhận là có độc quyền muốn thuyết pháp cho ai, muốn thu, phát lúc nào, hoặc riêng tặng ai tùy ý mình, muốn đem nhốt Pháp vào lọ biến thành của gia bảo, cha truyền con nối cho riêng tầng lớp mình, thật là Ðại Khôi Hài !!!

Liên Hương (ĐPK)
(11-27-1999)


hienchanh


Back to top Go down

Back to top

- Similar topics

 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum