4everfriends.forumvi.com
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.
BỘ GÕ TIẾNG VIỆT ONLINE
Right click to open new tab


Chẳng lẽ con cá đến thời mạt vận?

Go down

Chẳng lẽ con cá đến thời mạt vận? Empty Chẳng lẽ con cá đến thời mạt vận?

Post by timtim 19th June 2016, 2:13 pm

Vũ Thế Thành


Báo chí trong nước đưa tin, chất cực độc phenol được tìm thấy trong cá nục ở Quảng Trị. Báo nước ngoài đưa tin ác liệt hơn. Tờ Asian Correspondents giựt tít “Độc tố gây chết người phenol được tìm thấy trong 30 tấn cá đông lạnh (Fatal phenol toxin found in 30 tons of frozen fish…). Liệu phenol có phải là “chất cực độc” như báo chí đưa tin không?



Chỉ nói chuyện ăn uống phenol thôi

Chẳng lẽ con cá đến thời mạt vận? 3OhsCx3


Chuyện thế này: Sở Y Tế tỉnh Quảng Trị phát hiện trong 6 mẫu cá nục xét nghiệm, có 1 mẫu nhiễm phenol ở mức 0,037 mg/kg. Cơ quan cô lập 30 tấn cá nục đông lạnh, và kiến nghị tiêu hủy.

Phenol là chất độc? Đúng. Nếu tiếp xúc phenol với liều lượng cao và lâu dài thì hệ thần kinh sẽ bị tổn thương, và gây chết người. Phát xít Đức trong thế chiến II đã xử tử hàng loạt bằng cách tiêm phenol cho tù nhân chết lẹ và chết gọn.

Nhưng tiếp xúc, còn gọi là phơi nhiễm (exposure), cũng có nhiều kiểu: hít thở (hô hấp), cọ xát ngoài da, và do ăn uống (tiêu hóa). Bài này chỉ nói về ngộ độc phenol do đường ăn uống, xin nhắc lại, chỉ qua đường ăn uống thôi, kẻo người đọc lại bị rối giữa ăn, hít và sờ.


Chẳng lẽ con cá đến thời mạt vận? F0IGGAh



Con đường phenol

Phenol là sản phẩm công nghiệp, chứ “tự nhiên mà có” thì rất ít. Luyện than cốc, lọc dầu,…là nguồn phát sinh ra phenol. Phenol rẻ rề, rất nhiều ngành công nghệ sử dụng trong làm keo, làm nhựa, dệt nhuộm, thuốc trừ sâu,…thậm chí ngành dược cũng xài. Đây là những nguồn gây ô nhiễm phenol.

Nhưng gốc phenol, nếu được gắn vào nhau theo cách “hỗn độn và hài hòa”, sẽ tạo ra vô vàn chất mà con người mơ ước, gọi là các chất chống oxýt hóa gốc phenol (polyphenols). Đây là những chất có lợi cho cơ thể, để vô hiệu hóa các gốc tự do, phòng chống ung thư và lão hóa. Mấy ông “thực phẩm chức năng” thường chiết xuất những chất này từ cây cỏ và tung hê polyphenols như thần dược.

Rau quả củ tạo ra được các polyphenol (chất chống oxýt hóa),  cơ thể người cũng làm được như thế. Và trong quá trình tiêu hóa, cơ thể biến chất này thành chất nọ, trong đó có chất phenol và được thải qua đường nước tiểu, có khi lên đến 40mg/lít (1)

Tuy nhiên cũng có những chất có chứa gốc phenol lại là chất có hại như bisphenol A (BPA), thường được dùng trong ngành nhựa để là nhựa trở nên trong và cứng. BPA là chất gây rối loạn nội tiết (endocrine disrupters) có thể ảnh hưởng đến phát triển não, làm thay đổi hoạt động của tuyến vú và tuyến tiền liệt, làm trẻ dậy thì sớm, ảnh hưởng đến gan và thận. Chất này bị kiểm soát nghiêm ngặt nếu dùng trong bao bì đựng thực phẩm. BPA không có trong tự nhiên, mà do tổng hợp dùng cho mục tiêu công nghiệp.

Nói lòng vòng như thế để thấy rằng, phenol có trong không khí hay nguồn nước là chuyện tự nhiên. Trong chuỗi thực phẩm, tôm cá có nuốt phải phenol cũng là chuyện tự nhiên, cũng như các động vật khác, kể cả con người, thải phenol qua đường tiểu trong quá trình biến dưỡng thực phẩm cũng là chuyện tự nhiên.



Bằng chứng từ Châu Âu và Mỹ

Phenol đúng là chất độc, và điều mà người ta e ngại ở phenol là ngộ độc qua đường hô hấp, hoặc tiếp xúc qua da, ở các khu công nghiệp, nhà xưởng nơi mà công nhân làm việc có sử dụng phenol làm nguyên liệu. Chứ còn ngộ độc phenol qua đường ăn uống, khoa học xả chấp vì không đáng kể.

Bằng chứng (gần gũi với tôm cá) đây này (2), Cơ quan an toàn Châu Âu (EFSA), trong phiên họp đánh giá về an toàn đối với cá nuôi và cá đánh bắt, chỉ quan tâm đến hàm lượng kim loại nặng chì, cadmium, thủy ngân, arsenic, các loại dioxin,… chứ phenol không họ không hề đếm xỉa tới. Nói cách khác, không có quy định giới hạn mức phenol “cực độc” trong hải sản. 

Tuy vậy, EFSA cũng đánh giá và đưa ra mức dung nạp hàng ngày (TDI- Tolerable Daily Intake) của phenol qua ngã thực phẩm nói chung (3). Trước đây mức này là 1,5 mg/kg thể trọng. Năm 2013, cơ quan này kéo xuống còn 0,5 mg, nghĩa là một người nặng 50 kg, mỗi ngày có thể “nuốt” 25 mg phenol.

Ở  Mỹ, Bộ Y tế và Nhân vụ  (U.S. Department of Health and Human Services) đưa ra mức uống phenol tới chết như sau (4) : con nít phải “nuốt” ít nhất phải cỡ 50 – 500 mg phenol mới tiêu mạng, còn người lớn phải từ 1 – 32 gr.

Nhắc lại, mức phenol tìm thấy ở cá nục Quảng Trị là 0,037 mg/kg. Như vậy, một em bé nhạy cảm nhất với phenol cũng phải ăn cỡ hơn 1 tấn cá nục, và phải ăn hết trong vòng một ngày mới có nguy cơ chuyển sang từ trần. Còn tính theo kiểu Châu Âu, thì trẻ em, người lớn ăn mỗi ngày cỡ 40 kg cá nục vẫn khỏe re, khỏi lo ngộ độc mãn tính.



Khổ thân con cá

Phenol là chất độc, không có trong danh mục các chất được phép dùng trong thực phẩm. Dùng ít hay dùng nhiều đều vi phạm. Nhưng nếu phenol nhiễm tự nhiên trong thực phẩm thì sao?

Thực phẩm nhiễm độc chất thì mức nhiễm phải nằm dưới mức cho phép. Gạo nào chẳng có arsenic, tôm cá nào không có formol, rau quả nào không có nitrate,… Không lẽ kiêng hết để khỏi bị ung thư ? Chính liều lượng mới gây ra ngộ độc, chứ không phải cứ ăn độc chất vào là chết, kể cả chết lần chết mòn. Ngay cả nước uống (sạch),  thử uống 5-6 lít mỗi ngày xem có bị rối loại điện giải không? Tuy nhiên, cũng có những chất không có quy định giới hạn như phenol trong tôm cá, acid oxalic trong rau quả,…

Chỉ với mức phenol 0,037 mg /kg tìm thấy trong cá nục mà đã nổi sóng như thế. Xin mời Sở Y tế Quảng Trị đến kiểm tra thịt xông khói, cá xông khói, rượu whisky ở các siêu thị, hay các quán ăn dê nướng, heo nướng, bò nướng,… Mấy thực phẩm này có mức phenol còn khủng hơn cá nục nhiều.

Dù có dè dặt đến cỡ nào, tôi cũng phải nói, Sở Y tế Quảng Trị sai, khi nhầm lẫn giữa phenol thêm vào và phenol bị nhiễm. Điều này cũng tương tự, giả dụ như “trộn” thêm arsenic vào gạo, dù bất cứ liều lượng nào đều vi phạm, nhưng arsenic nhiễm tự nhiên trong gạo dưới 0,2 mg/kg (theo tiêu chuẩn của WHO) thì lại không sao. Lại phải xin nhắc lại, phenol bị nhiễm tự nhiên trong hải sản không có quy định, chẳng riêng gì Việt Nam, quốc tế cũng không quy định điều đó.

Cái mọi người muốn biết là nguyên nhân và hàm lượng kim loại nặng trong tôm cá ở Trung Bắc bộ thì lại chưa được biết. Còn “chất cực độc” phenol trong cá nục, đúng là chuyện nhỏ, nhỏ còn hơn “cái móng tay” nhiều thì lại ầm ĩ cả lên. Đến nay, 30 tấn cá nục vẫn bị “tạm giam” trong kho đông lạnh để chờ phân tích độc lập, làm rõ gì gì đó.

Ai đó đã dùng chữ “chất cực độc” để chỉ phenol thiệt là quá… độc (địa). Báo chí nước ngoài ăn theo, dùng chữ “chất độc chết người” (fatal phenol toxin) còn độc hơn nữa. Tôm cá Việt Nam đang thời vận hẻo, lỡ chết tai tiếng, nay lại càng khét tiếng hơn. Khổ thân con cá, bộ mày tính chết hai lần thiệt sao?


Vũ Thế Thành (vuthethanh202@gmail.com)(thanggianhome)


—-

(1) http://rushim.ru/books/mechanizms/chemistry-of-phenols.pdf   –  The Chemistry of Phenols, page7, edited by Zvi Rappoport, The Hebrew University, Jerusalem 2003

(2)http://seafood.oregonstate.edu/.pdf%20Links/Opinion%20of%20the%20Scientific%20Panel%20on%20Contaminants%20in%20the%20Food%20Chain.pdf –  EFSA journal 2005 – Contaminants in the food chain on a request from the European Parliament related to the safety assement of wild and farmed fish

(3) http://www.efsa.europa.eu/sites/default/files/scientific_output/files/main_documents/3189.pdf – Scientific Opinion on the toxicological evaluation of phenol

(4) http://www.atsdr.cdc.gov/MHMI/mmg115.pdf  ( Phenol C6H5OH CAS 108-95-2)
timtim
timtim
*
*

Đến từ : USA

Back to top Go down

Back to top


 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum