4everfriends.forumvi.com
Would you like to react to this message? Create an account in a few clicks or log in to continue.
BỘ GÕ TIẾNG VIỆT ONLINE
Right click to open new tab


Hy Lạp Và Bi Hài Kịch Âu Châu

Go down

Hy Lạp Và Bi Hài Kịch Âu Châu Empty Hy Lạp Và Bi Hài Kịch Âu Châu

Post by chandoi 2nd July 2015, 4:37 pm

Từ khi Hy Lạp hết khả năng thanh toán món nợ với Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế - IMF, trị giá khoảng một tỷ 550 triệu Euro (tương đương 1 tỷ 730 triệu Mỹ kim) và đáo hạn ngày 30 Tháng Sáu, nhiều người hết còn biết là chuyện gì đang xảy ra. Trên nguyên tắc, đến đêm 30 rạng ngày hôm sau, vì chính quyền Hy Lạp không đạt thỏa thuận về một giải pháp cứu nguy tài chánh với các chủ nợ chính yếu là Liên Hiệp Âu Châu, Ngân Hàng Trung Ương Âu Châu ECB và Quỹ IMF, Hy Lạp chính thức bước vào giai đoạn vỡ nợ. 
Việc đàm phán về giải pháp cứu nguy tan vỡ từ hôm Thứ Bảy 27 vì chính quyền của tập hợp các lực lượng cực tả Syriza dời buổi họp trở về loan báo quyết định sẽ tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào Chủ Nhật mùng 4 Tháng Bảy. Trưng cầu dân ý về chuyện gì, được trình bày ra sao cho người dân, với giải pháp nào cho dân chọn lựa? Những câu hỏi căn bản này cũng chẳng rõ ràng. 
Thế rồi tin tức dồn dập từng giờ trong ngày Thứ Tư mùng 1 Tháng Bảy, giờ Âu Châu, khiến những người theo dõi cũng hết biết luôn. Ở tại chỗ, các ngân hàng được lệnh đóng cửa và mọi dịch vụ chuyển ngân đều bị kiểm soát, nhưng tình hình chính trị còn nguy kịch và rắc rối hơn vậy.
Thí dụ như vào giờ chót ngày Thứ Ba, thủ tướng Hy Lạp là Alexis Tsipras gửi công điện cho các định chế chủ nợ, rằng chính phủ của ông có thể đưa ra một đề nghị dàn xếp. Nhưng hy vọng chẳng kéo dài vì các phe trong cuộc tung ra nhiều tuyên bố trái ngược nhằm tác động vào dư luận Âu Châu và Hy Lạp, cho đến khi ông Tsipras lại đổi ý vào chiều Thứ Tư. Ông lên truyền hình xác định rằng vẫn có trưng cầu dân ý và kêu gọi dân chúng trả lời “Không,” tức là bác bỏ giải pháp cấp cứu của Âu Châu.
Trong trường hợp đó, Hy Lạp ra khỏi khối Euro, hết sử dụng đồng bạc Âu Châu và phải phát hành lại đồng Drachma? Sau đó thì sao? Hồ Sơ Người Việt xin tổng hợp nhiều dữ kiện khác nhau của vụ khủng hoảng Hy Lạp vì vấn đề không chỉ là tài chánh hay kinh tế...
Hồ Sơ Euro
Về đại thể, Hy Lạp mắc nợ khoảng 315.5 tỷ Euro (tương đương với 350 tỷ đô la), chủ yếu là nợ các định chế Âu Châu, nhiều nhất là “tam đầu chế” Liên Âu, Ngân Hàng ECB và Quỹ IMF. Với nền kinh tế sa sút liên tục và mất 25% sản lượng trong năm năm qua, và nay chỉ còn 200 tỷ đô la một năm, Hy Lạp không thể trả được các khoản nợ ấy mà muốn cần vay thêm Ngân Hàng ECB theo thủ tục khẩn cấp một số nợ ngắn hạn để giải quyết nhu cầu thanh khoản là tiền mặt. 
Hy Lạp là một thấy bại kinh tế vì tệ nạn chính trị. Kinh tế xứ này không thể có tương lai nếu không cải cách, nhưng chẳng ai muốn cải cách vì sợ mất đặc quyền. Thất nghiệp tại Hy Lạp đã lên tới 26% nhưng 50% thành phần trẻ hiện không có việc. Tệ nạn chính trị là trong nhiều thập niên lãnh đạo của đảng Xã Hội (Phong trào “Panhellenic Socialist Movement” gọi tắt là PASOK), Hy Lạp đi theo chính sách bao cấp và bảo vệ quyền lợi của một thiểu số thân tín với gia đình Papandreou có ba đời ông, cha và con (Georgios, Andreas và George) đều từng là thủ tướng. Hy Lạp còn cải sửa thống kê kinh tế để gia nhập khối Euro và sau đó không thể theo kịp đà tiến hóa của các quốc gia khác.
Việc Hy Lạp được gia nhập khối Euro là một sai lầm của Âu Châu, có thể là vì lý do chính trị: xứ này có trí địa dư tại một khu vực nóng và là thành viên của Minh Ước NATO nên được biệt đãi cho tới ngày phá sản.
Sau năm năm thương thuyết, và ráo riết nhất từ đầu năm nay khi tập hợp cực tả Syriza được cử tri bầu lên vào ngày 25 Tháng Giêng năm nay, Hy Lạp vừa muốn các chủ nợ xóa bớt một phần nợ và lại cho vay thêm tiền. Liên minh cầm quyền của tập hợp Syriza có đa số rất mỏng trong Quốc hội là 11 ghế và sở dĩ đắc cử là vì hứa hẹn 1) không cắt giảm chi tiêu mà còn tăng lương hưu bổng, và 2) thương thuyết việc giảm nợ với Âu Châu, mà 3) vẫn ở trong khối Euro. Ðiều này rất nan giải. 
Có tiền là nhờ sự chung góp của dân đóng thuế hay các nước thành viên, các chủ nợ không thể và cũng chẳng muốn thỏa mãn đòi hỏi đó mà còn yêu cầu Hy Lạp phải chấn chỉnh lại việc chi tiêu, cụ thể giảm chi và tăng thu, và cải cách cơ chế kinh tế để gia tăng sản lượng kinh tế trong lâu dài. 
Mâu thuẫn về yêu cầu đó dẫn tới bế tắc và chính quyền Syriza quay về hỏi xem người dân có đồng ý với những yêu cầu của chủ nợ hay không. Sau đây là ba kịch bản về những gì có thể xảy ra sau cuộc trưng cầu dân ý vào ngày mùng 5.
Ba kịch bản
Tùy theo lá phiếu của dân chúng, người ta có thể nghĩ ra ba kịch bản là 1) Không; 2) Có; và... Có, Nhưng Mà.
Giả Thuyết “Không”: Nếu cử tri không đồng ý với đề nghị của Âu Châu, qua cách trình bày và diễn giải của Syriza, nhiều phần thì Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, được gọi là Grexit, từ cách chơi chữ Greece và Exit. 
Tập hợp Syriza thuộc thành phần cực tả, từ Cộng Sản đến Maoist, được ủy quyền lãnh đạo là để giảm nợ mà vẫn ở trong khối Euro. Nếu cử tri không đồng ý với đề nghị của Âu Châu thì Hy Lạp sẽ hết nguồn tài trợ và sẽ vỡ nợ, đã không thanh toán được nợ của IMF cũng chẳng thể trả nợ Âu Châu vào ngày 20 này, trong khi đó hệ thống ngân hàng bị mất vốn và phải đóng cửa để khỏi phá sản. Kết cuộc thì Hy Lạp sẽ ra khỏi khối Euro, dùng lại đồng Drachma chắc chắn là bị mất giá. Khi ấy, tập hợp Syriza cũng chẳng còn hy vọng cầm quyền và chính phủ đổ, dân chúng sẽ phải bầu lại cho một đa số khác.
Giả Thuyết Có: Cử tri đồng ý với đề nghị của Âu Châu và tạm đẩy lui kịch bản Grexit. 
Vì cho đến lúc cuối, chính quyền Syriza còn đề nghị dân chúng bỏ phiếu chống, các chủ nợ Âu Châu sẽ nhân kết quả này mà nhấn mạnh rằng Syriza không đáng tin nên họ sẽ chỉ thảo luận việc giảm nợ cho một chính quyền khác. Nghĩa là Syriza cũng có thể bị bỏ phiếu bất tín nhiệm và Hy Lạp câu giờ cho đến khi dân chúng bầu ra một đa số khác. Vấn đề ở đây là chính trường Hy Lạp không có lực lượng nào đủ mạnh khả dĩ thành lập một liên minh cầm quyền thay thế Syriza. Nghĩa là tình hình vẫn chưa êm và còn loạn thêm nếu cử tri dồn phiếu cho cánh cực hữu hay xu hướng chống Âu Châu.
Giả Thuyết Có, Nhưng Mà: Trong cả hai kịch bản Có-Không, Chính quyền Syriza có thể sẽ đổ mà Hy Lạp vẫn khó tìm ra một giải pháp thay thế. Vì vậy, trong giả thuyết cử tri đồng ý với đề nghị của Âu Châu, Thủ Tướng Tsipras và các đồng chí có thể nhân đó tìm ra một giải pháp qua ba ngả lách.
Ngả lách thứ nhất là trình bày với các thành phần cực đoan trong tập hợp rằng dù ta đã vận động chống lại đề nghị của Âu Châu, dân Hy Lạp vẫn muốn thương thuyết và ở lại trong khối Euro thì ta phải dung hòa để vẫn còn cầm quyền. Mục tiêu là để bảo toàn được đoàn kết bên trong để khỏi bị bất tín nhiệm. Ngả thứ hai là thuyết phục quốc dân rằng Syriza vẫn là hy vọng khá nhất để đàm phán lại với Âu Châu cho những điều kiện khả quan hơn. Mục tiêu vẫn là cầm quyền. Ngả thứ ba là trình bày với các chủ nợ rằng thà là họ nhân nhượng một chút với Hy Lạp còn hơn là mất hết. Mục tiêu vẫn là mặc cả với các chủ nợ. Kịch bản này có xác suất cao vì đấy là chiến lược ban đầu của Syriza. Cùng lắm thì Tsipras sẽ tìm ra một liên minh mới với các phe nhóm rất ô hợp.
Nghĩa là trong cả ba giả thuyết, Âu Châu vẫn xoay về chốn cũ và tái thương thuyết với một khách nợ thiếu tiền mà đầy thủ đoạn. Các chủ nợ đều đã quá chán ngán với trò bội tín ấy nên chưa chắc đã đồng ý với việc thương thuyết lại: Âu Châu chưa ra khỏi khủng hoảng và trước sau gì cũng vẫn trở lại quyết định “Grexit.” Một là Hy Lạp xin ra, hai là Hy Lạp bị đuổi ra. 
Lý do là quốc gia mạnh nhất và có thẩm quyền nhất trong khối chủ nợ là nước Ðức đã hết kiên nhẫn và muốn có kịch bản này để còn cứu vãn được khối Euro với các thành viên còn lại. Tại sao?
Liên Âu sau Grexit
Kinh tế rất nhỏ và mục nát của Hy Lạp chẳng có sức nặng gì với khối Euro hay cả tổ chức Liên Âu. Các ngân hàng chủ nợ của Âu Châu đều đã bán lại nợ và rút khỏi Hy Lạp nên các chủ nợ mới là ba định chế nói trên. Việc Hy Lạp ra khỏi Euro không thể gây khủng hoảng kinh tế hay tài chánh cho Âu Châu (hay Hoa Kỳ).
Sở dĩ Cộng Hòa Liên Bang Ðức phải giải quyết hồ sơ Hy Lạp chính là để làm gương cho các quốc gia mắc nợ tại miền Nam, như Bồ Ðào Nha, Tây Ban Nha hay Ý Ðại Lợi. Và sau khi thanh toán xong món nợ Hy Lạp, nước Ðức hy vọng sẽ có một nền tảng thuần nhất hơn về chánh sách và vững mạnh hơn về chính trị.
Nhưng, các vấn đề căn bản của Liên Âu thì vẫn còn nguyên vẹn. Hệ thống quan thuế này không có quyền lực chính trị và dung hòa nhiều đòi hỏi trái ngược của từng quốc gia. Sau khi giải quyết xong món nợ Hy Lạp, các vấn đề tiềm ẩn vẫn nổi lên. Và vụ Hy Lạp ra đi sẽ dẫn tới nhiều rạn nứt hơn trong nội bộ Liên Âu
Kết luận ở đây là gì?
Hy Lạp đang mở màn cho nhiều biến động trầm trọng hơn tại Âu Châu trong những năm tới.
 
Người Việt
chandoi
chandoi
*
*

Đến từ : Thành Phố Buồn, USA

Back to top Go down

Back to top


 
Permissions in this forum:
You cannot reply to topics in this forum